TIN TỨC & TRUYỂN THÔNG

Cước vận tải hàng không tăng đột biến do vận tải biển bị gián đoạn

Xung đột ở Biển Đỏ cùng lúc đẩy giá cước vận tải hàng hoá bằng đường biển và hàng không cùng tăng vọt, khiến dòng chảy thương mại toàn cầu ngày càng bị gián đoạn.

Theo dữ liệu của Xeneta, giá cước giao ngay hàng hóa bằng đường hàng không trung bình toàn cầu đã đạt đỉnh 2,6 USD/kg vào tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu của Xeneta, giá cước giao ngay hàng hóa bằng đường hàng không trung bình toàn cầu đã đạt đỉnh 2,6 USD/kg vào tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Cước vận tải hàng hoá bằng hàng không đã đạt đỉnh

Giá cước vận tải đường biển trong vài tuần qua đã tăng tới 10.000 USD/container 40 feet khi các tàu container tìm cách tránh các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và bắt đầu đi đường vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Động thái này đã chuyển hướng hơn 200 tỷ USD giá trị hàng hóa được vận chuyển từ tuyến vận tải biển huyết mạch sang nơi khác.

Các nhà phân tích cho rằng, sự chậm trễ trong giao thương hàng hải có thể khiến một số nhà bán lẻ chuyển sang vận chuyển hàng không, vì các công ty vận tải biển muốn đảm bảo hàng hoá được giao nhanh hơn.

Điều này có nghĩa là vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sẽ có vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng logistics. Vận tải bằng hàng không giúp cắt ngắn thời gian giao hàng xuống chỉ còn vài ngày so với vài tuần bằng đường biển.

"Một số chủ hàng đã đặt mình vào chế độ sinh tồn với một mục tiêu trong đầu: Đảm bảo hàng hóa được vận chuyển bằng mọi phương tiện có thể", ông Matthew Burgess, phó chủ tịch hãng dịch vụ vận tải biển toàn cầu CH Robinson, cho biết.

Ông Burgess cho biết, trước làn sóng dịch chuyển vận tải từ đường biển sang đường hàng không, CH Robinson chưa mở rộng năng lực hàng không trên các tuyến thương mại cốt lõi để duy trì vận chuyển hàng hóa.

Trong khi đó, "gã khồng lồ" vận tải DHL của Đức cho biết hãng này đã nhận được một số yêu cầu vận tải hàng hoá bằng đường hàng không nhưng sự dịch chuyển này chưa rõ rệt.

"Chúng tôi cho rằng điều đó sẽ thay đổi nếu tình hình (xung đột - BTV) ở Biển Đỏ vẫn tiếp diễn", ông Andreas Von Pohl, giám đốc vận tải hàng không của DHL Global Forwarding Americas cho biết. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn giá cước vận tải còn bị đẩy lên cao nữa.

Ông Parash Jain, trưởng bộ phận nghiên cứu cảng biển và vận chuyển toàn cầu tại HSBC, dự đoán: "Chúng ta sẽ chứng kiến giá cước vận chuyển hàng không tăng vọt". Vị này cho biết những người theo dõi ngành vận tải ước tính giá cước sẽ tăng trong hai đến ba tuần tới, đặc biệt là khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2 đang đến gần.

Thông thường, xuất khẩu hàng hoá của châu Á tăng cao trước khi khu vực này bước vào kỳ nghỉ Tết truyền thống hàng năm, bởi các công ty cố gắng nhập nhiều nhiều hàng hóa hơn trước khi các nhà sản xuất nghỉ Tết trong hai tuần.

Trong báo cáo vừa công bố, công ty phân tích vận tải biển và hàng không Xeneta nhấn mạnh, vận tải hàng hóa bằng hàng không sẽ được hưởng lợi từ sự gián đoạn giao thương quốc tế ngày càng leo thang. Theo dữ liệu của Xeneta, giá cước giao ngay hàng hóa bằng đường hàng không trung bình toàn cầu đã đạt đỉnh 2,6 USD/kg vào tháng 12/2023.

"Đảo ngược số phận"

Ngành vận tải biển toàn cầu đang trong thời kỳ suy thoái bởi lượng hàng tồn kho cao và sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng dẫn đến một số vụ phá sản trong năm 2023.

Trước khi xuất hiện các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, giá cước container vận chuyển toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2022, một sự đảo ngược hoàn toàn so với thời kỳ bùng nổ doanh thu và lợi nhuận sau đại dịch Covid-19.

Một báo cáo nghiên cứu gần đây của Jefferies cho biết giá cước vận tải Á - Âu trong năm 2023 đạt mức trung bình khoảng 1.550 USD/FEU, nhưng hiện đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 3.500 USD/FEU. FEU là đơn vị tiêu chuẩn để đo sức chứa container vận chuyển 40 feet, thường là kích thước tiêu chuẩn lớn nhất cho tàu container.

Ông Paul Brashier, phó chủ tịch phụ trách vận tải và đa phương thức tại ITS Logistics cho biết: "Trong tháng 11/2023, chúng tôi gần như đã nhìn thấy đáy… giá cước đã xuống đáy".

Thực tế, các công ty vận tải container đã kiếm được lợi nhuận 364 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022, theo báo cáo tóm tắt ngành của John McCown. Con số này thật đáng kinh ngạc khi so sánh với khoản lỗ lũy kế 8,5 tỷ USD mà ngành này chứng kiến từ năm 2016 đến năm 2019.

Tuy nhiên, thu nhập ròng của ngành đã giảm 95,6% so với cùng kỳ xuống còn 2,6 tỷ USD trong quý III/2023.

Nhưng với tình hình hiện nay, gió đang đổi chiều. Các nhà quan sát thị trường cho rằng sự gián đoạn vận tải gần đây ở Biển Đỏ có thể đảo ngược số phận của ngành vận tải đang bị sa lầy trong suy thoái.

Ông Alan Baer, giám đốc điều hành công ty logistics OL USA, nhận định: "Khi giá cước cao hơn vào năm 2024, điều này có thể giúp lợi nhuận của VOCC (các hãng vận tải biển có đội tàu riêng) tăng thêm hàng tỷ USD ngay cả khi giá cước tăng kéo dài thêm hai hoặc ba tuần nữa". Maersk, Evergreen và COSCO là một số VOCC lớn của ngành vận tải biển toàn cầu.

"Nếu điều này tiếp diễn trong 3 đến 6 tháng, [lợi nhuận] sẽ dần dần đạt mức của năm 2022 vì chi phí hoạt động sẽ thấp hơn những gì các hãng vận tải đã trải qua trong thời kỳ hỗn loạn năm 2021 và 2022", ông Baer phân tích.

Mặc dù mức giá cước vận chuyển tăng đột biến gần đây có thể không giúp các chủ hàng sống lại những ngày huy hoàng sau đại dịch Covid-19, nhưng sẽ giúp lợi nhuận của họ tăng đáng kể.

Với mức giá cước hiện nay, nhà kinh tế cấp cao Nico Luman của ING tuần trước đã dự đoán rằng lợi nhuận của các hãng vận tải container sẽ phục hồi trong quý I/2024.

Bên cạnh đó, công ty môi giới vận tải Jefferies cho biết họ đã “tăng đáng kể” dự báo lợi nhuận năm 2024 của một số hãng vận tải lớn nhờ "mức độ sử dụng cao hơn, công suất cao hơn và cân bằng cung/cầu chặt chẽ hơn do các tàu hàng chuyển hướng ra khỏi Biển Đỏ".

Jefferies đã tăng dự báo lợi nhuận EBITDA năm 2024 của Maersk thêm 57% lên 9,3 tỷ USD trong khi lợi nhuận của Hapag Lloyd ước tăng hơn 80% lên 4,3 tỷ USD còn lợi nhuận của ZIM tăng thêm 50% lên 0,9 tỷ USD.

Trong khi đó, đại diện ITS Logistics cho biết: "Chúng tôi dự báo cuộc suy thoái vận tải hàng hóa sẽ kết thúc trong năm nay, nhiều khả năng là vào cuối quý III".

Khi căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục gia tăng với việc Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi và phiến quân này thề sẽ đáp trả, giá cước vận tải có thể sẽ không sớm giảm.

Hơn nữa, ông Brashier lưu ý, giá cước vận tải theo hợp đồng của các hãng vận tải biển và giá cước thị trường giao ngay có thể còn tăng thêm. Một nguyên nhân mà chuyên gia này chỉ ra là Tết Nguyên đán ở Trung Quốc đang đến gần có thể đẩy giá cước tăng thêm trước khi thị trường vào kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Xem các bài viết khác